logged_in_greeting="Hi, can i help you ?" logged_out_greeting="Hi, can i help you ?">
Cảm mạo phong hàn là gì?

Liệu trường phong

Cảm nhận người dùng

Đặt câu hỏi

Cảm mạo phong hàn là gì?

# 12/07/2017

Cảm mạo là tên gọi chung cho các bệnh sinh ra do tiếp xúc với phong tà (trong dân gian còn gói là gió độc. Nhưng tôi nghĩ, không có gió nào độc cả, chỉ cần chính khí bất túc, thì một luồng gió rất nhẹ cũng thành gió độc), hoặc bệnh dịch, khiến cho công năng của Phế vệ thất điều (mất đi sự điều hòa), xuất hiện các biểu hiện mũi tắc, chảy nước mũi, nhảy mũi, đầu đau, sợ lạnh, phát sốt, toàn thân mệt mỏi khó chịu, đa số thường gặp vào mùa Đông Xuân. Phạm vi của chứng cảm mạo còn có thương phong, mạo phong (cảm gió), mạo hàn (cảm lạnh).

Chứng cảm mạo là chứng thường gặp nhất, phạm vi phát thường rất rộng (riêng ở Mỹ mỗi năm có đến 36000 người chết vì chứng này; khoảng 4,25 triệu người trên toàn thế giới chết vì các biến chứng của nó), có tính tái phát cao. Một năm bốn mùa đều có thể phát cảm, nhiều nhất là vào Đông Xuân. Chứng cảm nhẹ có thể không cần dùng thuốc mà vẫn tự khỏi, cảm nặng thì sẽ ảnh hưởng đến công việc và sinh hoạt, dễ ảnh hưởng đến tính mạng đối với trẻ em và người già yếu. Bên cạnh đó, cảm mạo cũng là nhân tố làm phát sinh và nặng thêm cho các chứng khái thấu (ho), tâm quý (rối loạn nhịp tim), thủy thũng, tý bệnh (các chứng đau nhức tê bại).

a)Nguyên nhân và cơ chế sinh bệnh:

1. Bệnh tà lục dâm gồm: Phong, Hàn, Thử, Thấp, Táo, Hỏa, đều là nguyên nhân sinh ra bệnh. Vì Phong đứng đầu trong lục khí, là bách bệnh chi trưởng (đứng đầu trong trăm thứ bệnh), nên Phong được xem là nguyên nhân chủ yếu của cảm mạo. Lục dâm xâm tập vào cơ thể, thường theo mùa hoặc không theo mùa. Do khí hậu đột ngột, nhiệt độ thay đổi, cảm phải chủ khí lúc đó, như mùa xuân thì cảm phong, mùa hạ cảm nhiệt, mùa thu cảm táo, mùa đông cảm hàn; hoặc như mùa Xuân ôn ấm mà lại cảm hàn, mùa hạ nhiệt mà lại cảm lương, mùa thu lương (mát) mà lại cảm nhiệt, mùa lạnh mà lại cảm ôn.

Trong lục dâm, có thể một dâm đơn độc gây bệnh, nhưng thường thường, trên thực tế lâm sàng, vẫn có sự kết hợp với phong, như mùa đông thì (phong) hợp với hàn; mùa xuân thì hợp với nhiệt; mùa hạ thì hợp với thử thấp; mùa thu thì hợp với táo; mùa mưa gió thì hợp với thấp tà.

2. Thời hành trong thời hành bệnh độc (dịch bệnh theo thời), là ý nói đến tà khí lưu hành, có liên quan đến mỗi 2 - 3 năm là một dịch nhỏ; trên dưới 10 năm là một dịch lớn. Bệnh độc là ý nói đến một loại khí (vi khuẩn) có tính nguy hại mạnh mẽ, hay còn gọi là khí dịch lệ, có tính truyền nhiễm mạnh.

b. Biểu hiện lâm sàng:

Bệnh cảm mạo phát nhanh, đột ngột, không có thời gian ủ bệnh (hoặc thời gian ủ bệnh ngắn). Thời gian phát bệnh ngắn, ít nhất từ 3- 5 ngày, nhiều nhất từ 7 - 8 ngày. Chủ chứng thường là chứng trạng của phế vệ, như tắc mũi, chảy nước mũi, nhảy mũi, ho, sợ lạnh, phát nhiệt, toàn thân khó chịu. Chứng trạng bộc lộc thường đa dạng, thường là vùng mũi họng ngứa ngáy, khô ráo, khó chịu là thời kỳ sơ phát; thời kỳ tiếp theo là nhảy mũi, tắc mũi, chảy nước mũi, hoặc mệt mỏi, toàn thân khó chịu. Nếu bệnh nhẹ thì chỉ viêm đường hô hấp trên, chứng trạng không dữ dội, dễ thuyên giảm; nếu nặng thì phát sốt, ho, đau ngực, biểu hiện các chứng trạng phế vệ.

Bệnh cảm dịch theo mùa thường phát bệnh nhanh, các chứng trạng toàn thân nặng, phát sốt cao, thân nhiệt từ 390C - 400C, toàn thân mỏi đau, sau khi hết sốt thì mũi tắc, chảy nước mũi, họng đau, ho khan, và bắt đầu xuất hiện các chứng trạng về phế rõ rệt. Nếu nặng thì sốt cao không hạ, khò khè thở gấp, môi và móng tay xanh tím, thậm chí ho ra máu, có một số trường hợp bệnh nhân mê man nói sảng, ở trẻ con thì phát sinh co giật.

c. Phân biệt chẩn đoán:

1. Phân biệt phong hàn cảm mạo với phong nhiệt cảm mạo: Cảm mạo khi phát thường có phong hợp hàn, hợp nhiệt. Vì vậy, trên lâm sàng, đầu tiên cần phải phân biệt rõ hàn chứng, và nhiệt chứng. Cả hai chứng đều có sợ lạnh, phát sốt, tắc mũi, chảy nước mũi, đau đầu và mình. Nhưng chứng thuộc phong hàn thì sợ lạnh nhiều, phát sốt nhẹ, không có mồ hôi, nước mũi xanh, miệng không khát, rêu lưỡi mỏng trắng, mạch phù hoặc phù khẩn; chứng thuộc phong nhiệt thì phát sốt cao, sợ lạnh ít, có mồ hôi, nước mũi đục, miệng khát, rêu lưỡi mỏng, vàng, mạch phù sác.

2. Phân biệt chứng cảm mạo thường, với dịch cảm theo mùa: Cảm mạo thông thường có tính rải rác, chứng trạng phế vệ rõ rệt, nhưng bệnh tịnh nhẹ, chứng trạng toàn thân không nặng, truyền biến nhẹ; thời hành cảm mạo (dịch cảm mạo) có tính chất lây lan rầm rộ, tính truyền nhiễm mạnh, chứng trạng phế hệ (mũi họng) nhẹ, mà chứng trạng toàn thân rõ ràng, chứng trạng nặng, lại có thể có truyền biến, đi vào lý sinh nhiệt, kết hợp với các bệnh khác.

d. Điều trị cảm mạo phong hàn:

Chứng trạng: Sợ lạnh nặng, phát nhiệt nhẹ, không có mồ hôi, đầu đau, khớp xương mỏi đau, mũi tắc tiếng nói nặng, thường chảy nước mũi xanh, ngứa họng, ho, ho ra đàm dính dây mỏng sắc trắng, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù hoặc phù khẩn.

Phép trị: Tân ôn giải biểu, tuyên phế tán hàn. (Dùng các vị thuốc, dược liệu có vị cay, tính ấm để xua đuổi tà khí, làm ấm cơ thể)

Y học cổ truyền thường dùng các phương pháp xông kết hợp đồ ăn giải cảm để trị chứng cảm mạo phong hàn.

1. Xông bằng thảo dược tân ôn giải biểu

- Các vị thuốc như Hương nhu, Quế, Long Não, Tràm, Bạc hà chứa tinh dầu có vị cay, tính nóng, tác dụng tân ôn giải biểu, phát tán phong hàn.

- Cách nấu nước xông: Đổ nước 2/3 nồi, đun cho nước gần sôi thì bỏ các loại thảo dược trên vào. Canh lửa vừa phải, nắp nồi đậy kín, khi nước sôi trở lại 2 - 3 phút thì bắc xuống và xông ngay.

- Cách xông: phòng xông cần đủ kín. Khi thấy nồi nước xông chuẩn bị sôi thì cho người bệnh cởi bỏ quần áo ngoài. Người bệnh ngồi trên một mặt phẳng, tư thế xếp bằng hoặc xếp chân sang một bên, ngẩng cao đầu, nghiêng sang một bên để tránh hơi nước nóng phả mạnh vào mặt, đặt nồi nước xông trước mặt, trùm chăn kín, rồi từ từ mở hé vung nồi cho hơi nước thoát ra, sao cho độ nóng vừa ở mức chịu đựng được. Hít thở mạnh và sâu để hương tinh dầu vào sâu trong phế nang. Thời gian xông hơi khoảng 10 - 15 phút. Xong, mở chăn ra, lau sạch mồ hôi bằng khăn khô sạch. Có thể gạn lấy 1 chén nước trong của nồi nước xông (khoảng 50ml) cho người bệnh uống và pha thêm nước ấm vào nồi nước xông sao cho đạt 37 - 380C rồi tắm trong phòng kín gió, lau khô cơ thể, mặc quần áo sạch. Đối với bệnh nhân già yếu, có bệnh mãn tính, suy nhược cơ thể… cần phải có người phục vụ ngồi phía sau giữ vai tránh cho người bệnh khỏi ngã.

Xông xong, cần có một chén cháo giải cảm; bằng cách nấu cháo trắng múc ra chén, cho é tía, hành, tỏi sắc lát mỏng nhỏ, tiêu, gia vị vừa ăn, thêm lòng đỏ trứng gà đánh đều, ăn nóng sẽ giúp người bệnh mau hồi phục sức khỏe.

Giải cảm phong hàn bằng nước lá xông được sử dụng từ hàng ngàn năm theo kinh nghiệm dân gian. Nhưng trong trường hợp bị cảm không phải lúc nào cũng có thể tìm được đủ các loại dược liệu cần thiết cũng như điều kiện để đun nước xông. Các bạn có thể chọn mua các loại cao xoa đã được bào chế sẵn từ các tinh dầu tự nhiên như Tinh dầu Tràm, Tinh dầu Long não, Tinh dầu Quế, Tinh dầu Hương nhu, Tinh dầu bạc hà. Chỉ cần pha cao vào cùng nước sôi là bạn đã có nước xông tương đương 1 nồi nước xông thảo dược đơn giản và đảm bảo hiệu quả điều trị. Các loại cao chứa tinh dầu tự nhiên nên được ưu tiên sử dụng vì không những giữ được mùi thơm dễ chịu và hiệu quả điều trị mà còn rất an toàn cho bệnh nhân.

Nguồn: Lieutruongphong.vn

Thong ke